"Âm mưu" Zossen lật đổ Hitler Phong_trào_chống_đối_Hitler

Gần cuối năm 1939, những người trong nhóm âm mưu nghĩ đã đến lúc nên hành động một lần nữa. Brauchitsch và Halder thấy có hai phương án: hoặc lật đổ Hitler hoặc tổ chức cuộc tấn công ở miền Tây mà họ nghĩ sẽ là thảm họa cho nước Đức. Những người âm mưu cả quân sự và dân sự thình lình hồi sức, thúc giục phương án thứ nhất.

Tướng về hưu von Hammerstein được gọi lại để nhận một chức tư lệnh ở miền Tây. Trong tuần lễ đầu của cuộc chiến, ông thúc giục Hitler đến thị sát tổng hành dinh của ông để chứng tỏ Lãnh tụ không bỏ quên miền Tây trong khi thôn tính Ba Lan. Thật ra Hammerstein, một kẻ thù không hề lay chuyển của Hitler, dự định bắt giữ ông này. Ogilvie Forbes đã được bí mật thông báo. Nhưng Hitler đánh hơi được hiểm họa, nên từ chối lời mời của vị cựu Tư lệnh Lục quân và sau đấy sa thải ông này.

Những người dân sự trong nhóm âm mưu vẫn nhận ra rằng chỉ quân đội là có khả năng để ngăn chặn Hitler, với sức mạnh tăng lên cực kỳ to lớn sau cuộc tổng động viên và chiến dịch ở Ba Lan. Nhưng Halder cố giải thích với họ rằng lực lượng lớn mạnh lại là một trở ngại. Nhiều sĩ quan trừ bị được gọi vào quân ngũ nguyên là đảng viên Quốc xã, còn binh sĩ đã hoàn toàn tiêm nhiễm giáo điều Quốc xã. Halder vạch ra rằng sẽ khó mà tìm ra một đội hình có thể tin cậy được để chống lại Hitler.

Có một yếu tố nữa mà các tướng lĩnh nêu ra và mọi người đều thấy đúng lý. Một vụ nổi loạn chống Hitler có thể gây hoang mang cho quân đội và đất nước nói chung, khi ấy liệu Anh và Pháp có thể đánh qua miền Tây, chiếm lấy Đức rồi áp đặt nền hòa bình ngặt nghèo cho người Đức – cho dù đã loại được Hitler? Vì thế, cần phải giữ mối liên lạc với Anh hầu đi đến sự thấu hiểu rằng Đồng minh không nên lợi dụng vụ đảo chính mà chống Quốc xã.

Họ có nhiều kênh liên lạc. Một kênh là Tòa thánh Vatican thông qua TS. Josef Müller, một luật sư nổi danh ở München. Qua sự sắp xếp của Đại tá Oster ở Cục Quân báo, vào đầu tháng 10 Müller đi đến Roma và thiết lập liên lạc với Công sứ Anh ở Tòa thánh. Theo những nguồn tin của Đức, ông nhận được đảm bảo của Anh và được Giáo hoàng đồng ý làm trung gian giữa chế độ mới chống Quốc xã và Anh.

Kênh khác là ở Bernes, Thụy Sĩ. Tại đây, Weizsäcker đã bổ nhiệm Theodor Kordt, lúc trước làm đại biện lâm thời tại London, làm đại biện lâm thời tại Thụy Sĩ. Kordt bắt liên lạc với TS. Philip Conwell-Evans, giáo sư người Anh tại Đại học Koenigsberg. Kordt nhận từ Conwell-Evans một bản văn nói là lời cam kết long trọng của Chamberlain đối với chế độ mới. Thật ra, đấy chỉ là lời phát biểu của Chamberlain trước Nghị viện rằng Anh không có mưu đồ ở Đức. Lời phát biểu thân thiện với người dân Đức đã được truyền thanh rộng rãi, nhưng nhóm âm mưu vẫn cho đấy là quan trọng. Thế là, với hai nguồn đảm bảo từ Anh, nhóm âm mưu quay sang quân đội, là mối hy vọng duy nhất của họ.

Thời giờ đã cấp bách. Quân đội Đức dự trù tấn công qua BỉHà Lan vào ngày 12/11/1939. Phải tiến hành đảo chính trước ngày này. Như Hassell cảnh báo những người khác, không thể nào có nền hòa bình tốt đẹp sau khi Đức đã xâm lấn Bỉ.

Có nhiều lời giải thích tại sao kế tiếp không có gì xảy ra, và những giải thích này mâu thuẫn với nhau và lộn xộn. Tướng Halder giải thích trước Tòa án Nürnberg rằng "quân đội tiền phương" không thể làm đảo chính vì "trước mặt họ có địch quân được vũ trang đầy đủ." Ông đã kêu gọi "quân đội hậu phương" vốn không phải đối mặt với kẻ thù, nhưng vị tư lệnh Lực lượng Dân quân, Tướng Friedrich Fromm, trả lời là mình chỉ nhận lệnh từ Brauchitsch.

Nhưng Brauchitsch còn hèn yếu hơn Halder. Tướng Beck bảo Halder:

Nếu Brauchitsch không có đủ quyết đoán, anh nên lấy quyết định rồi đặt ông ấy trước chuyện đã rồi.

Nhưng Halder cho rằng vì Brauchitsch là Tư lệnh Lục quân, ông này phải lãnh trách nhiệm. Thế là quả bóng trách nhiệm cứ bị đá qua đá lại. Cuối cùng, Tướng Thomas và Đại tá Oster đứng ra cầm đầu nhóm âm mưu, làm công tác tư tưởng cho Halder để ông này thuận theo – họ nghĩ như thế – để gây cuộc đảo chính ngay khi Hitler ra lệnh tiến công miền Tây. Halder thông báo cho Tướng Beck và Goerdeler, hai trong số nhân vật âm mưu chính, sẵn sàng hành động từ ngày 5/11/1939. Tổng hành dinh kết hợp của Tư lệnh Lục quân và Bộ Tham mưu Lục quân ở Zossen trở thành hang ổ của hoạt động phản loạn.

Vào ngày 5/11, quân đội bắt đầu di chuyển đến các điểm xuất phát đối diện Hà Lan, Bỉ và Luxembourg, Cũng trong ngày này, Brauchitsch có cái hẹn đến gặp Hitler. Brauchitsch và Halder đã đi thị sát các đơn vị hàng đầu ở miền Tây và nghe những ý kiến tiêu cực của các chỉ huy chiến trường. Thế là, dựa trên những biện luận của tướng lĩnh trên mặt trận miền Tây, của chính mình, của Halder và của Thomas, Brauchitsch đi gặp Hitler. Nhóm âm mưu hồ hởi và lạc quan. Nếu Brauchitsch không thể thuyết phục Hitler, ông sẽ gia nhập họ mà lật đổ Hitler.

Như những dịp khác, tất cả đều nhầm lẫn.

Brauchitsch không thể thuyết phục được Hitler. Khi vị tướng nói đến thời tiết xấu, Hitler trả lời xấu cho Đức thì cũng xấu cho địch. Cuối cùng, trong nỗi tuyệt vọng, Brauchitsch báo cáo rằng tinh thần binh sĩ ở mức thấp tương tự như trong thời gian 1917-1918, khi có tư tưởng chủ bại, bất tuân quân lệnh và ngay cả nổi loạn.

Nhật ký của Halder ghi rằng khi nghe thế, Hitler nổi giận. Ông muốn biết: "trong những đơn vị nào có những trường hợp thiếu kỷ luật? Chuyện gì đã xảy ra? Ở đâu?" Ông sẽ bay đến đấy ngày mai. Vị tướng tội nghiệp đã cố tình cường điệu hóa nhằm làm cho Hitler nản chí, nhưng bây giờ gánh chịu toàn bộ áp lực trong cơn thịnh nộ của Lãnh tụ. Hitler thét lên: "Bộ tư lệnh đã có hành động gì? Đã thi hành bao nhiêu án tử hình?" Hitler gầm rít: Sự thật là "quân đội không muốn chiến đấu."

Brauchitsch khai trước Tòa án Nürnberg: "Không thể nào tiếp tục cuộc thảo luận. Nên tôi ra về." Những người khác còn nhớ là ông thất thểu đi vào tổng hành dinh ở Zossen, trong tình trạng bị sốc nặng đến nỗi lúc đầu ông không thể kể lại rõ ràng chuyện gì đã xảy ra.

Đến đây là chấm dứt "Âm mưu Zossen." Thêm một thất bại nhục nhã như "Âm mưu Halder" vào thời gian Hội nghị München. Mỗi lần đều hội đủ các điều kiện mà nhóm âm mưu đặt ra. Lần này, Hitler đã nhất quyết tiến công ngày 12/11/1939, và có chỉ thị bằng văn bản. Vì thế, nhóm âm mưu có bằng cớ rõ ràng mà họ đã nói cần có để lật đổ Hitler: lệnh tấn công vốn sẽ gây thảm họa cho nước Đức. Nhưng sau đấy, nhóm âm mưu không làm gì thêm ngoại trừ hoảng hốt. Họ nháo nhào lo thiêu hủy tài liệu và che giấu chứng tích. Các tướng lĩnh, kể cả Witzleben, hiểu rằng họ đã thua cuộc. Ít ngày sau, Tướng Karl von Rundstedt, Tư lệnh Tập đoàn quân A, triệu các tư lệnh quân đoàn và sư đoàn đến để thảo luận những chi tiết của cuộc tiến quân. Trong khi bản thân vẫn còn nghi ngờ về chiến thắng, ông khuyên các tướng lĩnh của ông nên bỏ qua những nghi ngại. Ông nói: "Quân đội đã được giao nhiệm vụ, và sẽ thi hành nhiệm vụ!"